HỘI QUÁN CỜ
cùng niềm đam mê
gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ
Home » » Danh Thủ Cơ Tướng Trần Quới

Danh Thủ Cơ Tướng Trần Quới

Written By Robin Hoàng Phúc on Thứ Ba, 15 tháng 3, 2016 | 01:43

Danh thủ Trần Quới sinh năm 1957 tại Sài gòn. Cha là kỳ thủ Trần anh Minh (thường được gọi là Lác) cũng là một cao thủ Sài gòn xưa. Chính vì vậy mà Trần Quới mới có tên là Lác chảy . Chảy tiếng Quảng đông có nghĩa là “đứa trai”.Các kỳ hữu chắc ít ai biết tới ông Trần anh Minh vì ông chỉ có tiếng trong làng cờ độ giang hồ. Trong quyển Việt nam tượng kỳ phổ ( 2 tập) bằng chữ Hoa chép lại nhiều ván của những danh thủ phương Nam xưa như Nguyễn thành Hội, Hứa văn Hải, Lý văn Hùng… nhưng chỉ có 1 ván duy nhất ghi lại ván đấu của ông Trần anh Minh ( thua Hà quang Bố). Ngay từ thời nhỏ, Trần Quới đã thường xuyên xem cha mình đánh cờ và đã sớm bộc lộ tài năng thiên bẩm. Trần Quới vào đời rất sớm, chỉ 11 hay 12 tuổi đã cầm con cờ kiềm sống . Năm 1974 khi danh thủ Hongkong là Lê huệ Đông sang nước ta giao hữu với 4 danh thủ Sài gòn lúc đó (Lê văn Tám, Phạm thanh Mai ,Phạm tấn Hòa, Trần đình Thủy ) thì bên lề, danh thủ Hongkong này cũng có đánh độ với Trần Quói .Lúc bấy giờ Lê huệ Đông chấp Trần Quới 2 tiên, kết quả Trần Quới thắng. Sau 1975, Trần Quới đã đạt đến trình dộ cao thủ hạng nhất, đủ khả năng đánh phân tiên với Phạm tấn Hòa ( là quán quân giải toàn thành 1976). Tuy nhiên khi tham gia giải toàn thành 1977, Trần Quới lại thua Lý anh Mậu, không vào được 8 hạng đầu. Sang năm 1978, Trần Quới mới có được thành tựu ban đầu là vô địch giải toàn thành (TPHCM) lúc ông 21 tuổi. Trận chung kết với danh thủ Hứa kim Thành (còn gọi Tiều Nam vang) diễn ra giằng co đến ván thứ 5 thì Trần Quới mới thắng được đối thủ trong một ván cờ kéo dài 123 nước. Thời kỳ này, Quới mạnh dạn đi giang hồ từ các tỉnh, thành phía nam ra các tỉnh miền trung. Bất cứ nơi nào có tay cờ nổi tiếng, Quới đều tìm đến khiêu chiến. Các cao thủ miền trung nổi tiếng lúc bấy giờ như Nguyễn Thọ Phú, tức Xí (Nha trang), Nguyễn Minh Trưng (Bình định), Phan Hiền Khánh (Phan thiết), Hà Hồng Quan (Mỹ tho)… đều đã so tài và tất cả đều là bại tướng của Trần Quới. Danh thủ Phan Hiền Khánh của Phan thiết là tay cờ nhiều năm đoạt vô địch tại địa phương này, xưa nay chưa hề lùi bước trước bất kỳ cao thủ nào ở suốt dải miền trung. Thế mà khi gặp Trần Quới, anh bị đánh bại liên tục, để cuối cùng Trần Quới phải chấp anh 1 mã mà anh vẫn thua. Sau này Phan Hiền Khánh nhớ lại và nói với bạn bè: “Trong cuộc đời chơi cờ của tôi, người mà tôi khâm phục nhất là Trần Quới. Vào thời kỳ tôi sung sức thì dù các danh thủ như Phạm Thanh Mai, Lê Văn Tám, Phạm Tấn Hòa… chưa ai có thể chấp nổi tôi 3 tiên, thế mà thằng nhóc Lác chảy chấp tôi 1 mã, thử hỏi có tức không? Tổng kết lại tôi vẫn còn lỗ nhiều. Mà càng tức, càng chơi thì càng thua. Thật là lạ”
 
 
Năm 1979, nhà Văn hóa quận 1 tổ chức một giải cờ Tướng dành cho tám danh thủ hàng đầu của tp HCM, ngoài Trần Quới còn có một số danh thủ như Phạm Nam Đài, Phạm Tấn Hòa, Trần Chí, Lê Văn Tám... kết quả cuối cùng Trần Quới cũng chiếm được hạng nhất. Trong các năm đầu giải phóng với sự thông thương hai miền Nam Bắc, một số danh thủ của các tỉnh, thành phía Bắc xuôi vào nam để tìm "độ" và so tài cùng các danh thủ trong nam, có các danh thủ: Nguyễn Tấn Thọ, Ngô Quang Dương, Đinh Trường Sơn, Trương Trọng Bảo... nhưng các kỳ thủ này chưa có dịp gặp Trần Quới. Như danh thủ Nguyễn Tấn Thọ năm 1976 có gặp và thi đấu với Phạm Tấn Hòa và mãi đến năm 1988 ông mới có dịp so tài cùng danh thủ Trần Quới.Rất nhiều ghế và băng để ngồi nhưng vẫn không đủ chỗ, số đến sau phải đứng chen chúc trong một chiếc sân khá rộng để theo dõi cuộc cờ mà mọi người cho là trận tranh tài giữa "Bắc Vương, Nam Đế"...
 
Tháng 4/1988 hai danh thủ Hà Nội là Nguyễn Tấn Thọ và Đinh Trường Sơn vào thăm thành phố HCM. Liên đoàn cờ tp HCM phối hợp với Phòng TDTT Quận 1 (nay là Trung tâm TDTT quận 1) tổ chức một cuộc thi đấu giao hữu tại Câu lạc bộ 116 Nguyễn Du quận 1. TpHCM đưa ra bốn danh thủ lừng lẫy nhất là Phạm Nam Đài, Trần Quới, Mai Thanh Minh và Nguyễn Văn Xuân. Cuộc so tài không chính thức đã được giới hâm mộ chờ đón từ lâu, nhất là các kỳ thủ ở Sài Gòn trước đây vốn được nghe tiếng tăm lừng lẫy của danh thủ Nguyễn Tấn Thọ nổi tiếng từ những năm 1954 và lại đứng đầu nhóm "Hà Nội ngũ Tốt" nên lần thi đấu này được giới hâm mộ chào đón một cách nhiệt liệt. Mỗi đêm thi đấu đều có diễn lại trên hai bàn cờ lớn để khán giả thưởng thức. Trận cờ giữa danh thủ Nguyễn Tấn Thọ và Trần Quới được đặc biệt chú ý nhiều nhất vì đây là một cuộc so tài giữa hai kỳ vương của hai miền Nam, Bắc. Người hâm mộ muốn học hỏi những tuyệt chiêu sở trường của hai danh thủ này nên kéo đến xem rất đông. Bình luận viên lúc bấy giờ là anh Quách Anh Tú đã được Ban Tổ chức mời đến thuyết minh các nước cờ ảo diệu của hai danh thủ. Tuy nhiên các cuộc thi đấu giữa danh thủ Đinh Trường Sơn với các danh thủ TpHCM cũng không kém phần hấp dẫn. Đinh Trường Sơn với thành tích vô địch Hà Nội năm 1984 cũng đủ nói lên trình độ của một danh thủ ở đẳng cấp cao.Nhắc lại trận cờ giữa danh thủ Nguyễn Tấn Thọ và Trần Quới diễn ra hết sức sôi nổi, mọi người hồi hộp theo dõi từng nước đi diễn ra trên bàn cờ và những tiếng bình luận, cãi vã lẫn phê bình theo suy nghĩ của mình râm ran trong các hàng ghế khán giả đã làm cho cuộc cờ vốn hấp dẫn càng hấp dẫn hơn.Cuối cùng hai ván cờ giao hữu đều đưa đến kết quả hòa nhau, không ai dám mạo hiểm nên không bên nào mở được tỷ số.Sau đó ít hôm anh Trần Hà, nguyên Hội trưởng Hội cờ Tướng quận 5 có mời hai danh thủ Nguyễn Tấn Thọ và Đinh Trường Sơn đến CLB cờ Tướng quận 5 để thi đấu biểu diễn tiếp phục vụ khách hâm mộ. Một số kỳ thủ mới được mời tham dự trong đó có Diệp Khai Dương và Lại Cẩm Kỳ... Tuy nhiên ván cờ mà mọi người chờ đợi nhất vẫn là ván đấu của hai danh thủ Nguyễn Tấn Thọ và Trần Quới. Lần này hai danh thủ biểu diễn đều bịt mắt, nghĩa là phải thi đấu "cờ tưởng", một hình thức thi đấu mới lạ đã thu hút rất đông khán giả, nhất là các kỳ thủ người gốc Hoa. Rất nhiều ghế và băng để ngồi nhưng vẫn không đủ chỗ, số đến sau phải đứng chen chúc trong một chiếc sân khá rộng để theo dõi cuộc cờ mà mọi người cho là trận tranh tài giữa "Bắc Vương, Nam Đế". Hai ván cờ kéo dài đến khuya và kết quả cũng lại hòa nhau. Đến bây giờ mọi người mới thỏa mãn ra về và thầm bảo nhau: "Kỳ Vương Nguyễn Tấn Thọ lợi hại thật, quả là danh bất hư truyền!".

 
 
 
Khoảng năm 1982 danh thủ Đỗ Minh Nhật đến tạm cư tại thành phố Biên Hòa, người ta thường gọi anh là Bảy Cảnh. Khi đến Biên Hòa anh đã giao hữu với nhiều danh thủ tại đây như Phạm Quốc Bình, anh Cẩu... đều đem lại cho anh thắng lợi vẻ vang.Hôm ấy có người giới thiệu anh với một kỳ thủ trẻ tướng mạo ra dáng thư sinh, người hơi thấp. Đương nhiên là hai người chơi một ván cờ phải cá cược một số tiền nào đó mới hào hứng và hấp dẫn. Tay cờ trẻ này có dáng cũng rất tự tin. Tuy nhiên so với Bảy Cảnh thì anh ta còn thiếu nhiều kinh nghiệm giang hồ nên thi đấu đến quá trưa thì tiền trong túi của hắn ta đã sạch nhẵng. Cầm cả đồng hồ đang đeo cũng thua nốt.Hai ngày sau kỳ thủ trẻ này trở lại chuộc đồng hồ và xin tái chiến. Lúc này Bảy Cảnh đã chấp hắn ta đến một tiên rưỡi. Đồng thời trong thời gian này Bảy Cảnh cũng điều tra lý lịch của hắn ta. Được biết đây là một kỳ thủ chưa có tên tuổi trong làng cờ Thành phố Hồ Chí Minh, tên hắn ta là Bùi Văn Phương tự là Phương chuồng bò. Lần tái đấu này đấu tại nhà anh Tài và anh Tài cũng quen biết Bảy Cảnh.Qua các ván đấu Bảy Cảnh thua liên tục cuối cùng Bảy Cảnh phải cầm cả xe máy 87 của mình để chung độ. Bảy Cảnh nhớ lại có một ván cờ Cảnh sắp thắng đến nơi thì bất ngờ tên Phương đi một nước bỏ Xe thủ hòa! Vì nước cờ này quá hay, ngoài sức tưởng tượng của anh nên người anh toát mồ hôi ướt đẫm, anh ngồi bất động gần 30 phút để trầm ngâm...Khi thua hết tiền thì anh đi thất thểu về nhà, qua một căn phố trên đường Phan Đình Phùng anh thoáng thấy Trần Quới được một người bạn chở trên một chiếc xe máy tình cờ lướt qua...Với linh tính cộng với kinh nghiệm giang hồ, Bảy Cảnh chợt hiểu ra... vừa đi anh vừa nhẩm lại câu thơ:"Lỡ tay trót đã nhúng chàm Dại rồi còn biết khôn làm sao đây".

 
 
 Một thắc mắc mà nhiều người muốn hỏi là sức cờ của danh thủ này nếu so với những danh thủ hàng đầu Trung quốc thì như thế nào ? Đây cũng là câu hỏi mà bạn bè của danh thủ này cũng nhiều lần hỏi ông. Trần Quới đã trả lời : “ Hồ vinh Hoa hay hơn tôi nửa nước cờ…Nhưng cờ chấp tôi không dở hơn. Nều Hồ vinh Hoa chấp người nào cái gì thì tôi sẳn sàng chấp người đó giống như vậy”. Trần Quới tự nhận xét như thế dù ông chưa hề biết Hồ vinh Hoa chấp cờ ra sao. Tuy nhiên phải công nhận một điều là danh thủ này tự tin ở khả năng chấp cờ của mình cũng không có gì quá đáng . Cuộc đời ông gắn liền với các ván cờ chấp và chính những ván cờ chấp mới thể hiện được hết trình độ chơi cờ của ông. Trong tình thế hoàn toàn bị ép (vì chấp cờ) , Trần Quới vẫn có nhiều nước điều quân quân phòng thủ khéo léo, đồng thời chực chờ và tự tạo cơ hội để đánh trả. Khả năng sửa cờ và công sát của Trần Quới quả thật đã đạt đến trình độ siêu đẳng. Chỉ tiếc là các ván cờ loại này không có ai ghi chép lại và nếu có thì cũng ngại phổ biến vì những lý do tế nhị. Năm 1993 khi dự giải thế giới, danh thủ Mai thanh Minh đã tạo tiếng vang lớn khi thủ hòa cả 2 danh thủ đại diện Trung quốc là Triệu quốc Vinh và Từ thiên Hồng. Điều này đã làm nức lòng người hâm mộ, đồng thời cũng tạo nên sự tiếc rẻ là phải chi còn Trần Quới. Danh thủ đối cuộc tin chắc 1 điều rằng có Trần Quới thì cờ tướng Việt Nam sẽ mạnh hơn hẳn, nhưng để đánh thắng các danh thủ hàng đầu Trung quốc lại là chuyện không hề dễ dàng. Tái năng của một người không thể tách rời môi trường và trình độ chung mà người đó đang sống. Trần Quới có thể đánh ngang ngửa với các danh thủ Trung quốc chỉ khi nào được tập huấn dài hạn ở Trung quốc và thi đấu thường xuyên các giải có chất lượng cao. Trần Quới hoàn toàn không được như vậy. Ông trưởng thành trong một thời kỳ mà giải trẻ không có, thậm chí giải vô địch toàn quốc còn không được tổ chức . Bốn năm sau khi ông ra đi mới có giải toàn quốc lần đầu tiên, mà giải lần đó người ta còn tranh cãi là được quyền tróc tử hay không ?!! Như vậy mà thắng Trung quốc được sao ? Vì không cân đối được bài toán thu-chi, nợ nần quá nhiều (khoảng 5 lượng vàng), Trần Quới đã quyết định vượt biên vào một ngày hạ tuần tháng7/1988. Chuyến đi đó đã lấy mất của làng cờ Việt nam một thiên tài trăm năm có một! Trần Quới chính là điển hình rõ ràng cho cái mà người ta hay nói là : có tài mà không gặp thời ! Hay là… ông trời khi ban cho một người cái này thì ngài lại lấy đi cái khác. Có người nói : Sự khôn ngoan giúp ta tồn tại, đam mê giúp ta sống. Danh thủ Trần Quới đã sống 31 năm trọn vẹn với niềm đam mê của mình, dù sao cũng hơn là tồn tại vật vờ 62 năm. Kể ra cũng không uổng một kiếp người… 
 

 
HỨA KIM THÀNH đấu với TRẦN QUỚI (Đen thắng)
PHẠM THANH MAI đấu với TRẦN QUỚI (Đen thắng)
DƯƠNG THANH DANH đấu với TRẦN QUỚI (Đen thắng)
TRẦN QUỚI (Đỏ thắng) đấu với MAI THANH MINH


TRẦN QUỚI (Đỏ thắng) đấu với NGUYỄN VĂN XUÂN
MÔNG NHI đấu với TRẦN QUỚI (Đen thắng)


TRẦN QUỚI (Đỏ thắng) MÔNG NHI
TRẦN QUỚI (Đỏ thắng) đấu với KHÂU VĂN ĐIỆP

SHARE

About Robin Hoàng Phúc

0 nhận xét :

Đăng nhận xét